Các em học sinh thân mến!
Từ xưa đến nay, sử sách nước nhà đã ghi chép lại nhiều tấm gương trung hiếu, trung nghĩa cho muôn đời sau. Những người con ưu tú ấy luôn được cộng đồng tôn vinh. Trong buổi giới thiệu sách hôm nay, các em hãy cùng hướng tới cuốn sách cô đang cầm trên tay. Cuốn sách mang tên: “Kể chuyện gương trung hiếu trong lịch sử”, tác giả Phạm Trường Khang biên soạn, nhà xuất bản Dân Trí xuất bản năm 2020, in 5000 bản trên khổ giấy 15 x 21 cm.
Các em thân mến! 103 tấm gương trung hiếu trong lịch sử được kể lại trong cuốn sách tiêu biểu như:
Tô Hiến Thành là đại quan thần phụ chính nhà Lý, phụng sự hai triều vua: Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Ông là viên quan văn võ song toàn, nổi tiếng là công minh chính trực. Ông quyết một lòng trung trinh phò ấu chúa, không vị thân tiến cử hiền tài lúc bệnh nặng.
Trần Hưng Đạo (nguyên tên khai sinh là Trần Quốc Tuấn) là anh hùng dân tộc, nhà văn hóa vĩ đại trong lịch sử Việt Nam. Làm tướng, ông biết dẹp bỏ “thù nhà” dốc lòng báo đền “nợ nước” góp công lớn ba lần đánh bại quân Nguyên. Ông còn là tác giả của hai bộ binh thư và đặc biệt bài “Hịch tướng sĩ” nổi tiếng còn lưu truyền đến ngày nay. “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm” Sau khi ông mất, vua phong ông tước Hưng Đạo đại vương. Nhân dân lập đền thờ ông ở khắp nơi trên mọi miền tổ quốc.
Và nhiều người con ưu tú đi sứ, họ đã làm tròn trọng trách đối với dân với nước. Như chuyến đi sứ của Lý Văn Phức vào năm 1831. Lúc đến Phúc Kiến (Trung Quốc), sau khi lên bộ, phái đoàn của ông được đưa đến nhà công quán. Đến nơi một dòng chữ đập vào mắt khiến ông nổi giận đùng đùng: “Việt Nam quốc di sứ công quán” (Nhà công quán tiếp sứ rợ nước Việt Nam). Lập tức, ông biện bạch rành mạch. Đuối lý, họ phải lột bỏ dòng chữ nhảm nhí đó, thay bằng: “Việt Nam quốc sứ quan công quán” (Nhà công quán tiếp quan sứ nước Việt Nam). Không chỉ vậy, Lý Văn Phức còn viết ngay bài “Biện di luận” dán lên ở cổng quán như một cách khí khái bày tỏ thái độ. Sự bình tĩnh, hiên ngang không hề run sợ trước oai “thiên triều” của những sứ giả nước Việt phải chăng cũng được hun đúc từ lòng trung thành với nước?
Và còn nhiều câu chuyện về tấm gương trung hiếu như Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Lê lai, Lê Sát, Trần Anh Tông, Nguyễn Trãi, Tự Đức, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trung Trực, Mạc Đĩnh Chi, Phùng Khắc Khoan, Cao Bá Quát, Gia Cát Lượng, ...
Cuốn sách: “Kể chuyện gương trung hiếu trong lịch sử” là một trong những cuốn sách hay của tủ sách Lịch sử - Danh nhân của thư viện nhà trường. Sách được biên soạn công phu và dễ hiểu giúp các em học sinh nắm bắt khái quát những thông tin cơ bản nhất, thông qua đó như một bài học, một tấm gương phản chiếu để các em nỗ lực phấn đấu, hoàn thiện nhân cách ngày một tốt đẹp hơn.
Hi vọng các em sẽ có những trải nghiệm thú vị khi đọc cuốn sách. Hẹn gặp các em tại phòng thư viện nhà trường.
Người giới thiệu: Nguyễn Thị Hương Yến