Kính thưa các thầy, cô giáo cùng các em học sinh thân mến!
Hôm nay, thư viện nhà trường xin giới thiệu với các thầy, cô giáo và các bạn học sinh lớp 4,5 cuốn tiểu thuyết “Tuổi thư dữ dội” của Nhà văn Phùng Quán. Cuốn truyện dày 719 trang, khổ 13,5 x 20,5cm được Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2011. Giá bìa: 105.000đ. Cuốn truyện hiện có tại Thư viện của Nhà trường. Đứng trước tủ sách Tác gia và tác phẩm Thầy, cô và các bạn sẽ thấy cuốn truyện nổi lên trên nền màu tím cẩm của gáy cuốn truyện là dòng chữ in hoa rất to “TUỔI THƠ DỮ DỘI – PHÙNG QUÁN”. Cầm cuốn truyện trên tay, chúng ta thấy trang bìa của cuốn truyện in hình hai đứa trẻ buổi chiều tối đang đứng bên cạnh gốc cây to mắt đau đáu hướng về nơi xa đầy khói lửa. Nổi lên trên nền hình ảnh ấy là tên tác giả và tên truyện được in hoa đậm màu trắng rất to: PHÙNG QUÁN – TUỔI THƠ DỮ DỘI.
Nội dung của cuốn truyện được chia làm ba mục:
- Đi tìm thuốc cho mẹ (từ trang 7 đến trang 204)
- Ba lần vượt ngục (từ trang 207 đến trang 516)
- Núi mẹ con em Mừng (từ trang 519 đến trang 719)
Thưa các thầy, cô giáo cùng toàn thể các em học sinh!
Nhà văn Phùng Quán (1932-1995) sinh tại quê xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Năm 1945 khi ông 13 tuổi, ông tham gia Vệ quốc quân, là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 101 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân). Sau đó ông tham gia Thiếu sinh quân Liên khu IV, đoàn văn công Liên khu IV.
Đầu năm1954, ông làm việc tại cơ quan sinh hoạt Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt nam (tiền thân của tạp chí Văn nghệ quân đội).Tác phẩm đầu tay Vượt Côn Đảo của ông được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 1955. Không lâu sau đó, Phùng Quán tham gia phong trào Nhân văn – Giai phẩm. Khi phong trào này chấm dứt dưới tác động của nhà nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa,Phùng Quán bị kỉ luật, mất đi tư cách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và phải đi lao động cải tạo ở nhiều nơi.Từ đó đến khi được nhìn nhận lại vào thời kì Đổi mới, Phùng Quán hầu như không có một tác phẩm nào được xuất bản,ông phải tìm cách xuất bản một số tác phẩm của mình dưới bút danh khác.
Năm 1988, cuốn tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán được xuất bản và nhận Giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam hai năm sau đó. Ngoài văn xuôi Phùng Quán còn sáng tác thơ và có nhiều bài thơ nổi tiếng.
Năm 2007, ông được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, do Chủ tịch nước ký quyết định tặng riêng.
Cuốn tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” được Nhà văn Phùng Quán khởi thảo bên bờ Hồ Tây năm 1968 và hoàn thành trong lều cỏ giữa hồ Tịnh Tâm năm1986.
Toàn bộ cuốn truyện Nhà văn Phùng Quán đã viết rất rất sâu sắc, chân thực và xúc động về cuộc sống và chiến đấu, ước mơ, cuộc đấu tranh tư tưởng, cách ứng xử của các bạn thiếu niên tuổi 13, 14 trong trung đoàn Trần Cao Vân tại Huế. Đó là Mừng, Quỳnh sơn ca, Lượm, Tư dát, Bồng da rắn, Kim điệu, Vịnh sưa…
Kính thưa các thầy, cô cùng toàn thể các em học sinh!
Từ khi đọc cuốn truyện này, nhắc đến Huế, nói đến Huế là tôi nhớ đến chợ Đông Ba , nhớ đến cây cầu nơi Tư dát mải bắn chim để Lượm bị bắt vô ngục, nơi Quỳnh sơn ca được cõng trên lưng với lời nựng”nặng như con gà con” rồi vẻ mặt đanh lại của Quỳnh khi quyết không nhận quà từ gia đình gửi lên,nhà ngục nơi có Lượm lanh lẹ, nhân hậu cảm hóa Lép sẹo rồi cánh đồng lúa rập rờn lần khuất bóng hình trốn chaỵ nhà ngục tụi Tây của Lượm, của Thúi, của Lép sẹo…
Đọc xong cuốn truyện em mãi khắc ghi câu nói trước khi chết của Mừng “Anh ơi,đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí!” Một lời khẩn cầu của Mừng được gửi lên Trung đội trưởng, không biết người mẹ vừa nằm xuống của Mừng có nghe thấy câu nói đó không! Mừng gia nhập Vê-cu-đê, Vệ Quốc đoàn là vì trong sân của khu này có cây tầm gửi có thể chữa được bệnh hen suyễn cho mẹ Mừng. Mừng không dám hỏi xin, chưa dám trèo lên cây để hái lá cho mẹ! Mừng thật thà, ngô nghê, thương mẹ hết mực nhưng tội cho Mừng, bạn ấy không biết mình bị một đồng ngũ đã phản bội lý tưởng đồng đội đi theo – Kim điệu – đã cài bẫy để đồng đội nghĩ Mừng là Việt gian và đối xử với Mừng theo cách đối xử với Việt gian. Không bị khuất phục bởi người cha tệ bạc là Việt gian dùng mơ tưởng về giàu sang, Mừng chạy trốn. Nhưng hoàn cảnh không chiều người. Nơi kia, Kim điệu đã trở về, Kim điệu và kẻ địch đã lập mưu và Trung đoàn mắc bẫy địch. Mẹ Mừng đi tìm Mừng, nghe tin con đi theo Việt gian, người mẹ đau xót quyết tâm theo kháng chiến để chuộc tội cho con mình. Mừng trở về. Tất cả bằng chứng chống lại Mừng. Mẹ Mừng giận Mừng, không tin Mừng. Mừng vẫn không khuất phục, vẫn cố hết sức để hoàn thành nhiệm vụ của một Vệ Quốc đoàn. Mất mát lớn nhất trong cuộc chiến có lẽ là mẹ con Mừng! Hai mẹ con bạn Mừng ra đi để lại trăn trối thiết tha “Anh ơi đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí!” và đỉnh đồi 96 ngày ấy được mang tên mới là núi mẹ con em Mừng.
Quỳnh sơn ca là con trai cưng duy nhất của Phó tổng trấn Trung Kỳ, giỏi đàn Piano, nhẹ nhàng như con gái. Yêu những bài hát của Vệ Quốc đoàn và con người trong đó, Quỳnh bỏ nhà đi theo Vệ Quốc đoàn. Giẫm phải mảnh chai, bị nhiễm trùng, phải nằm Viện Quân y Quỳnh vẫn mang tiếng đàn của mình đi phục vụ bệnh nhân khác, vẫn sáng tác bài ca “Sông Ô Lâu kháng chiến”, vẫn viết bản nhạc kịch “Đi tìm thuốc cho mẹ”,…Quỳnh đã sống như con chim kia trong rừng – trước khi chết nó bay vụt lên hát một bài ca tuyệt hay rồi rơi xuống.”Mà em thì thích sông Ô Lâu, thích Xêca, thích bạn em hơn. Còn ba thứ đồ ni – em ngẩng lên, khoát tay chỉ đống đồ lề bày ngổn ngang trên sạp nứa – vú với chị dẹp hết vô bị mang về, một viên thuốc em cũng không uống, một cái bánh em cũng không ăn mô!”. Tinh thần Quỳnh kiên quyết, thư Quỳnh gửi về cho ba mẹ, cho Phó tổng chấn Trung Kỳ là tinh thần của Quỳnh, là quyết tâm của Quỳnh ngày đó, là “Sông Ô Lâu kháng chiến”. Có người nói rằng Quỳnh đã uất ức vì những hành động của cha, đã vỡ tim mà chết ở tuổi 13.
Còn đó Lượm, Châu sém, Bồng da rắn… xin trân trọng kính mời các Thầy, Cô và các em học sinh chúng ta cùng đến Thư viện Nhà trường mượn đọc cuốn truyện “Tuổi thơ dữ dội” để hiểu sâu sắc hơn về thế hệ thiếu niên bất tử của ngày ấy. Và có thể, thầy cô và các em học sinh hãy đọc cuốn truyện này trên các trang đọc sách online nhé.
Xin trân trọng cảm ơn các Thầy, Cô và các em!
Xin chúc các Thầy, Cô mạnh khỏe, tìm được niềm vui trong công việc. Chúc các em học sinh luôn yêu sách và học tập tốt!