Các con học sinh thân mến!
Thế hệ trẻ nước ta hiện nay có nhiều bạn từ nhỏ đã thông minh xuất chúng. Không ít bạn giành được những giải Huy chương Vàng, Huy chương Bạc trong các lĩnh vực âm nhạc, hội họa, toán học, cờ vua, vật lý,... không chỉ thế mà nhân dân ta tự hào và hy vọng họ sẽ trở thành những tài năng lớn, có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Sự xuất hiện những thần đồng của nước ta hôm nay là kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học của bao thế hệ cha ông đi trước mà tên tuổi và sự nghiệp của họ được hậu thế mãi lưu danh. Những thần đồng nổi tiếng này có trí tuệ phát triển trước tuổi, lại nhờ có ý chí trong học tập, rèn luyện bản thân, kết hợp với các điều kiện thuận lợi khác nên trở thành các bậc hiền tài, có nhân cách cao đẹp...
Các con học sinh yêu quý! Buổi giới thiệu sách tháng 2 hôm nay cô trò mình cùng đi tìm hiểu về những thần đồng trong lịch sử của nước ta các con nhé.
Bộ sách cô sẽ giới thiệu với các con sau đây mang tên THẦN ĐỒNG NƯỚC NAM gồm 5 cuốn: LÝ CÔNG UẨN, NGUYỄN HIỀN, LÊ VĂN HƯU, ĐOÀN THỊ ĐIỂM, MẠC ĐĨNH CHI do tác giả Thu Trang sưu tầm và biên soạn. Nhà xuất bản Quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2017. Mỗi cuốn chỉ khoảng 16 đến 20 trang, được in trên khổ giấy 15 X 21 cm. Nội dung của bộ sách đề cập đến hoàn cảnh xuất thân của 5 vị thần đồng trên cùng những đóng góp lớn lao của họ trong lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước ta.
LÝ CÔNG UẨN là tập sách đầu tiên trong bộ sách THẦN ĐỒNG NƯỚC NAM. Ông sinh năm 974 là người sáng lập nhà Lý. Quê ông ở làng Cổ Pháp, nay thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Thuở nhỏ, vì gia đình khó khăn, mẹ ông đã phải nhờ nhà sư Lý Khánh Văn nuôi ông. Ông vốn thông minh, tuấn tú, được sư Lý Khánh Văn cho sang chùa Lục Tổ học với sư Vạn Hạnh. Sư Vạn Hạnh rất quý ông, sư nói với mọi người rằng:”Đứa bé này không phải người thường”. Lớn lên Lý Công Uẩn làm một chức quan nhỏ trong Điện tiền quân của Lê Hoàn. Về sau ông làm Phó chỉ huy sứ quân Tứ Sương. Rồi lại được thăng chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ. Cuối năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Thuận Thiên. Mùa xuân năm 1010, Lý Công Uẩn xuống chiếu dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La rồi đổi tên Đại La thành Thăng Long (thủ đô Hà Nội ngày nay). Kinh thành được xây dựng mới, nhân dân các nơi đổ về làm ăn sinh sống. trong những năm trị vì, ông thường xuyên chăm lo việc nước, phát triển sản xuất, sửa lại chế độ thuế khóa, đề cao Phật giáo. Lý Công Uẩn tổ chức lại bộ máy nhà nước, sai sứ giao hảo với nhà Tống. Tháng 4 năm 1028, Lý Công Uẩn mất, miếu hiệu là Thái Tổ.
NGUYỄN HIỀN là tập tiếp theo trong bộ sách THẦN ĐỒNG NƯỚC NAM, đề cập đến những tình huống đối đáp rất thông minh, sáng dạ của vị thần đồng Nguyễn Hiền. Năm 12 tuổi, Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên trong khoa thi Đinh Mùi (1427). Nhà vua thấy Trạng Hiền nói năng chưa hiểu phép tắc, lễ nghĩa nên cho là chưa thể bổ nhậm chức quan trong triều. Về sau, nhờ tài năng xuất chúng của mình, ông đã giúp triều đình vượt qua sự thách đố của sứ nhà Nguyên.
Tiếp theo là 3 vị thần đồng Lê Văn Hưu, Đoàn Thị Điểm, Mạc Đĩnh Chi hoàn cảnh xuất thân, tài năng và đóng góp của họ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước như thế nào. Để tìm hiểu chi tiết về cả 5 vị thần đồng này, cô mời các con cùng đến với thư viện nhà trường để mượn đọc bộ sách THẦN ĐỒNG NƯỚC NAM các con nhé. Hoặc chúng mình có thể tìm đọc bộ sách này trên trang đọc sách online như SachHay24H.com, Gacsach.com, Tramdoc.vn, Reader.com.vn…
Mỗi truyện đều được minh họa sinh động, phù hợp với đặc điểm tâm lí, lứa tuổi của các con. Cô hy vọng mỗi truyện trong bộ sách sẽ đem lại cho các con những điều lí thú riêng và bổ ích. Các con sẽ phát huy truyền thống tuổi nhỏ thông minh của cha ông bằng cách chăm chỉ học tập, rèn luyện bản thân để có được những tài năng đích thực, để đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng đất nước, đem lại sự vinh quang cho bản thân, cho gia đình và xã hội.
Buổi giới thiệu sách hôm nay cô xin dừng tại đây. Cô cảm ơn các con đã lắng nghe. Hẹn gặp lại các con vào buổi giới thiệu sách lần sau.