Các bạn học sinh thân mến!
Hòa chung với không khí cả nước hân hoan chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang tới gần, hôm nay, mình xin giới thiệu đến các bạn học sinh cuốn truyện “Sự tích Đầm Mực”.
“Sự tích Đầm Mực” là một cuốn tranh truyện cổ tích Việt Nam do tác giả Hoàng Khắc Huyên biên soạn. Cuốn truyện chỉ gồm 18 trang, in trên khổ giấy 17X24cm, nhà xuất bản Mỹ Thuật phát hành năm 2012.
Cuốn truyện kể về một truyền thuyết huyền bí có liên quan đến thầy giáo Chu văn An – Một người thầy nổi tiếng chuẩn mực về đức, tài, tính tình cương trực và giàu lòng yêu nước thương dân.
Tương truyền, thầy giáo Chu văn An được vua vời về Kinh giao cho trông nom trường Quốc tử và dạy thái tử học. Nhưng được hơn một năm thầy không chịu được với bảy tên quyền thần dối vua hại nước nên đã cáo quan và về mở trường dạy học ở quê nhà. Nhiều học trò tìm đến thầy theo học. Trong số học trò của thầy, có hai anh em con vua Thủy Tề ngày ngày đến bờ sông trút lốt thuồng luồng ở nước rồi lên đất, nói năng cử chỉ không khác gì người trần. Gọi là hai anh em Gàn.
Năm ấy, vùng Thanh Đàm trời làm đại hạn, ruộng đồng nứt nẻ, lúa ngô héo dần. Thầy cho gọi hai anh em Gàn và nhờ họ cầu mưa chống hạn giúp dân. Hai anh em ngần ngừ hồi lâu rồi chỉ vào nghiên mực đặt trên án thư, lễ phép bảo thầy: “Dạ, oai trời thì rất nghiêm nhưng lời cuả thầy thì rất trọng. Chúng con xin vâng lời thầy. Chúng con sẽ dùng nước ở nghiên mực này tạm thấm nhuần trong một vùng vậy”.
Thế rồi, 3 người bê nghiên mực ra bờ sông một người cầm bút vẩy tạo thành mưa. Xong việc họ vứt luôn đồ xuống nước và vái lạy thầy rồi biến mất.
Quả nhiên, đêm hôm ấy trời đổ mưa. Mọi người đều thấy lạ khi chỉ riêng Tham Đàm là nước tràn ngập và có màu đen. Mưa xuống cứu được vô vàn ruộng lúa, lương thực làm người dân vui mừng. Tuy nhiên, ở thiên đình ai cũng cảm thấy lạ lùng. Ngọc Hoàng thấy thế bèn sai người đi điều tra thủ phạm. Hai anh em họ đã bị bắt và bị thần sét dùng búa chặt đầu. Khi chết hai người biến thành con thuồng luồng đầu và xác không liền nhau trôi dạt vào gầm cầu Bưu.
Thầy Chu Văn An biết tin liền thương xót. Thầy cùng với học trò đem chôn cất hai anh em họ đàng hoàng như hai người. Cả bờ sông hôm ấy đều nổi lên màu áo trắng tinh. Chiếc nghiên mực trôi về phía làng Quỳnh Đô khiến nước đổi màu đen nên người ta gọi là sự tích đầm mực. Còn cây bút trôi về làng Tó (làng Tả Thanh Oai bây giờ) mới có nhiều người đỗ đạt.
Còn về ngôi mộ của hai anh em sau này được lập miếu thờ gọi là miếu Gàn.
Các bạn học sinh thân mến! Khi đọc Truyện cổ tích sự tích đầm mực các bạn sẽ hiểu được lý do sự ra đời của đầm mực. Và hiểu được tấm lòng, sự tốt bụng và hy sinh của hai anh em thuồng luồng. Câu chuyện cho chúng ta thấy rõ được sự lễ nghĩa, chuộng đạo lý, cách hành xử tốt nhất trong cuộc sống.
Các bạn hãy đến Thư viện tìm đọc cuốn truyện “Sự tích Đầm Mực” để hiểu sâu sắc hơn nhé.
Hẹn gặp lại các bạn trong buổi giới thiệu sách lần sau.