Con xin chào các Thầy, cô giáo!
Em chào các anh chị cùng các bạn học sinh thân mến!
Trong buổi truyên truyền giới thiệu sách tháng 1 năm 2020 hôm nay, em xin giới thiệu cuốn Tranh truyện cổ tích Việt Nam: Sự tích Bánh Chưng Bánh Giầy do tác giả Hoàng Khắc Huyên biên soạn và vẽ tranh, nhà xuất bản Mỹ Thuật, năm 2014. Cuốn truyện gồm 18 trang, được in trên khổ giấy 17 X 24 cm, mỗi trang truyện tác giả thể hiện chi tiết mỗi đoạn nội dung truyện bằng chữ in to, đậm để các em học sinh lớp 1 chúng ta đều có thể dễ đọc và kèm theo từng hình ảnh vẽ rất sinh động, to rõ ràng, nhiều màu sắc rất đẹp, rất đầm ấm và hạnh phúc.
Cuốn truyện tranh này em đã đọc và rất thích thú các bạn ạ!
Ngày xưa ở nước ta, trong số các con của Vua Hùng Vương thứ sáu có một Hoàng tử là Lang Liêu. Các Hoàng tử khác đều văn hay võ giỏi, nhưng đều không thích lao động chân lấm tay bùn, chỉ riêng có Hoàng tử Lang Liêu là chăm chỉ và yêu thích trồng trọt. Chàng thường cùng vợ con về quê hương vỡ ruộng, cuốc bãi cùng bà con nông dân trồng lúa gạo, hoa màu.
Một hôm vào dịp cuối năm, Vua Hùng Vương cho gọi đông đủ các con đến và bảo: “ Ta nay tuổi đã cao, sức đã yếu, Tết đầu năm ai tìm được của ngon vật lạ nhất đem đến để ta tế trời, đất thì sẽ được nhường ngôi”.
Vâng lời Vua cha các Hoàng tử nhanh chóng tỏa đi khắp bốn phương. Người thì lên rừng, kẻ thì xuống biển, ai cũng mong muốn tìm được món ngon nhất, lạ nhất, quý nhất để được vua cha ban thưởng nhường ngôi. Riêng Lang Liêu rất băn khoăn, lo lắng không biết tìm vật gì để dâng lên cha tỏ lòng hiếu thảo của mình.
Một hôm, khi đi thăm đồng, Lang Liêu thấy ruộng lua nếp đã chin vàng, những hạt nếp vừa mẩy vừa thơm. Chàng về gọi vợ cùng bà con trong xóm ra gặt. Đến chiều, gặt xong thửa ruộng, mọi người vui vẻ gánh lúa về. Tối hôm ấy, khi ăn bát cơm gạo trắng thơm ngon, nhìn lên bầu trời trong xanh bát ngát, nhớ đến cánh đồng lúa mênh mông nuôi sống con người, Lang Liêu chợt nghĩ: “Không có gì thay thế được lúa gạo, Trời tròn, Đất vuông, ta sẽ dùng gạo nếp trắng thơm để làm hai thứ bánh, một thứ bánh tròn tượng trưng cho trời, một thứ bánh vuông tượng trưng cho đất. Bánh thơm ngon, lại ngụ ý tốt, nhất định được mọi người quý trọng, Vua cha hẳn sẽ rất vui mừng”.
Hôm sau, Lang Liêu cùng vợ bàn cách làm hai thứ bánh. Họ lấy gạo nếp vo kỹ, đồ thật dẻo, cho vào cối giã thật mịn rồi nặn thành một thứ bánh hình tròn mịn màng và trong trẻo như bầu trời. Họ lấy lá rong tươi gói gạo nếp sống làm thành một thứ bánh hình vuông có màu xanh cây cỏ. Họ còn lấy đỗ xanh, thịt lợn làm nhân bánh. Bà con xung quanh vốn mến tính hiền lành, chăm chỉ hay giúp đỡ người khác của Lang Liêu, thấy vợ chồng chàng bận rộn làm hai thứ bánh quý bèn rủ nhau sang làm giúp và góp ý. Gói xong bánh hình mặt đất, hai vợ chồng Lang Liêu xếp bánh vào nồi to, nhóm lửa đun kĩ. Cả đêm hôm ấy, gia đình Lang Liêu quay quần xung quanh bếp lửa cho đến khi bánh chin.
Sớm hôm sau, vợ chồng Lang Liêu sung sướng nhìn hai chiếc mâm lớn xếp đầy hai thứ bánh quý, kết quả công sức sáng tạo của mình và chàng chờ đến ngày để dâng Vua cha.
Đúng ngày hội lớn, Các Hoàng tử mang của con vật lạ các nơi về đông đủ. Lễ vật của Lang Liêu có vẻ đơn giản quá. Nhưng sau khi nghe Lang Liêu tâu trình về cách làm và ý nghĩa của hai thứ bánh quý, Vua cha rất vui mừng và cảm động. Vua bèn chọn hai thứ bánh của Lang Liêu để tế trời đất rồi chia cho các hoàng tử và quần thần nếm thử. Ai cũng khen bánh có vị ngon, hương lạ mà lại có ý nghĩa sâu xa, đúng là thứ quý nhất trong ngày hội đầu năm. Vua Hùng Vương bèn truyền ngôi cho Lang Liêu và đặt tên cho hai thứ bánh quý ấy: “Bánh tròn tượng trưng cho trời là bánh Giầy, bánh hình vuông tượng trưng cho đất là bánh Chưng”.
Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán thì dân chúng làm bánh Chưng, bánh Giầy để dâng cúng tổ tiên và trời đất.
Các anh chị và các bạn ơi! Câu truyện thật ý nghĩa đúng không ạ! Em mời các anh chị cùng các bạn học sinh chúng mình hãy lên thư viện nhà trường để đọc truyện Sự tích bánh Chưng bánh Giầy và rất nhiều câu truyện cổ tích Việt Nam rất hay nữa nhé!
Buổi tuyên truyền giới thiệu sách của em đến đây là hết. Em xin cảm ơn các Thầy, cô giáo cùng các anh chị, các bạn học sinh đã lắng nghe.
Người viết lời: Nguyễn Thị Hương Yến