TRƯỜNG TIỂU HỌC PHÚ THỊ TƯNG BỪNG
CHÀO MỪNG 40 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11
Sinh thời Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”.
Thật tự hào khi được làm nghề cao quí nhất trong các nghề cao quý, đặc biệt với truyền thống tôn sư trọng đạo, ngày 20/11 hàng năm đã đi vào lịch sử như một ngày hội lớn của dân tộc.
Tháng 11 lại về trong không khí hân hoan của cả nước hướng về ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày mà cả xã hội với tấm lòng trân trọng tôn vinh công lao cao cả đối với nhà giáo.
Là người Việt Nam, chắc hẳn ai ai cũng nhớ truyền thống Tôn sư trọng đạo mà cha ông ta đã truyền dạy từ bao đời nay: “Một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy” hay “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
Cha mẹ là những người đã sinh ra các em, nuôi dưỡng các em, nhưng thầy cô giáo là người mang đến cho các em kiến thức, chắp cánh cho các em những ước mơ bay cao, bay xa, cho các em hành trang tri thức vào đời và trở thành những con người hữu ích cho xã hội. Sau này khi các em lớn lên, đôi chân dù có đi xa đến đâu vẫn không thể quên những ký ức về lòng biết ơn đối với những người thầy, người cô đã tận tình dạy bảo các em.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về giáo dục người đã dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”
Mỗi người có một con đường riêng, một cuộc sống riêng. Không nghề nào giống nghề nào cả, người thì làm việc với máy móc, người làm việc với công trường, ruộng đòng, có những người suốt cuộc đời gắn với bảng đen và viên phấn trắng. Đó là nghề giáo.
Viên phấn trắng hướng cuộc đời đi thẳng, mực đỏ chấm bài là máu chảy từ tim. Cômexki cũng từng phát biểu: “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào ưu việt bằng nghề dạy học”. Điều đó đã phần nào nói lên vai trò vô cùng quan trọng của nghề dạy học trong xã hội xưa và nay.
Tình yêu nghề, yêu người của nhà giáo càng sâu sắc thì càng tác động mạnh mẽ đến người học, trở thành những tấm gương cho người học noi theo và là một thành tố quan trọng để quá trình giáo dục đạt kết quả cao. Nội dung cốt lõi của chuẩn mực đạo đức này là sự toàn tâm, toàn ý với người học và nghề dạy học. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng quyết tâm dạy thật tốt, có ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên, miệt mài với từng bài giảng, thường xuyên đúc rút kinh nghiệm và vận dụng sáng tạo trong hoạt động sư phạm, như Bác Hồ nói: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”.
“Có nghề nào hạnh phúc đến thế chăng?
Nghề mình đó với bảng đen phấn trắng,
Gieo yêu thương vào tâm hồn trong trắng,
Mang đến cho đời nhiều hoa trái ngát hương.”
Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2022, chào mừng 40 năm ngày Hiến chương các nhà giáo rất vui mừng khi đại dịch Covid qua đi, thầy trò được gặp nhau học tập trực tiếp, được hòa mình trong các phong trào thi đua daỵ tốt học tốt
Hoà chung với không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành giáo dục cả nước chào mừng 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022). Sáng ngày 18/11/2022, Thày trò trường TH Phú Thị long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo VN 20/111.
Về dự lễ tuyên dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua Dạy tốt, học tốt có BGH nhà trường, các thầy cô giáo, nhân viên nhà trường và 975 em học sinh. Nhà trường được đón nhận lẵng hoa tươi thắm của Hội cha mẹ học sinh nhà trường, đơn vị bộ đội Tên lửa Tiểu đoàn T65, …
Tại buổi lễ, nhà trường đã tuyên dương các thầy cô giáo, cán bộ đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Quản lí giỏi, giáo viên giỏi cấp Huyện năm học 2021 -2022 và trao tặng nhiều phần thưởng cho tập thể lớp, cá nhân đạt thành tích cao trong các hoạt động thi văn nghệ, vẽ tranh, Tin học trẻ chào mừng 20/11.
Buổi lễ kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam kết thúc trong niềm vui chung của thầy trò nhà trường. Xin gửi tới quý thầy giáo, cô giáo lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, mãi yêu nghề, tràn đầy nhiệt huyết, sáng tạo để góp phần vào sự nghiệp trồng người.
.