Đổi mới phương pháp dạy học luôn là mục tiêu quan trọng trong Giáo dục. Tổ 1 chúng tôi rất tâm đắc khi trao đổi để thực hiện dạy bài học vần Mn- Nn.Tiết học ấy thực sự là một tiết học đáng nhớ, một tiết học mà tất cả học sinh đều được hoạt động, tất cả đều hồ hởi, hứng thú và say mê học tập. Người thực hiện chuyên đề là đồng chí Dương Thị Hiền, một giáo viên trẻ có năng lực và rất khéo léo trong việc dạy học sinh lớp 1.
Mở đầu tiết học là phần khởi động với trò chơi hái táo. Mỗi quả táo học sinh hái là 1 yêu câu. Có quả học sinh hái được là đọc và phân tích từ, có quả là đọc câu, có quả là tìm anh em sinh đôi,....GV cho học sinh tự chọn cho mình một quả táo yêu thích rồi nhẹ nhàng yêu cầu học sinh thực hiện. Học sinh hào hứng đọc và nêu ý kiến của mình.
Sau đó GV cho HS quan sát tranh để học sinh nêu bật được câu: Mẹ mua nơ cho Hà. GV cho HS đọc để phát hiện ra tiếng có chứa âm m, n hôm nay học.Vào bài mới với sự nối kết một cách nhẹ nhàng, tạo được sự tò mò của HS ngay từ đầu.
Bước đầu giáo viên cho học sinh nhận diện lấy âm m. Cô đã hướng dẫn HS nhận diện âm M in hoa và m in thường sau đó cho HS lấy m trong bộ đồ dùng.Học sinh nhanh chóng ghép tiếng mẹ. Sau đó giáo viên cho phân tích, đánh vần đọc trơn tiếng vừa ghép. Có được tiếng mẹ, giáo viên cho ghép tiếng nơ. Cô giáo đưa ra hình ảnh cái nơ đỏ để học sinh biết được cái nơ dùng để làm gì. Có được từ mới cô cho học sinh phân tích từ sau đó đọc trơn. Cuối cùng cô đã gọi 2,3 bạn đọc lại toàn bộ âm và tiếng vừa hoc.
Sau khi làm quen với phần đầu tiên, giáo viên cho học sinh thi đua tìm tiếng có chứa âm m, n. Tổ 1,2 ghép tiếng có âm m . Tổ 3,4 ghép tiếng có âm n. Với yêu cầu này đã làm tất cả các em hiện lên sự hào hứng khi được ghép tiếng mới được trình bày ý kiến của mình và chia sẻ với các bạn. Đồng thời các em lại được đọc các từ và giải đáp những thắc mắc mà các bạn chưa hiểu rõ qua phần giải thích từ. Tôi đọc được từ những ánh mắt đó là niềm vui khi các em có đáp án đúng, khi được giải thích. Trên cơ sở tìm tiếng các em còn được phát triển nói thành từ, thành câu và được luyện đọc rất nhiều, tiếng từ mới. Không khí lớp học sôi nổi hẳn lên.
Nhìn những gương mặt rạng ngời đầy tự tin, tôi thấy rằng tiết học nào mà GV khơi gợi được sự hứng thú cho học sinh thì học sinh sẽ vào bài, tiếp thu bài dễ dàng hơn. Có lẽ với những nét mặt tràn đầy hứng thú này, chắc chắn tiết học sẽ rất thành công.
Từ hoạt động này, chúng tôi rút ra được kinh nghiệm cho bản thân là trong quá trình dạy học giáo viên phải biết gợi mở, hướng dẫn các em và đặc biệt là lựa chọn những hình thức tổ chức dạy học phù hợp để phát huy tư duy, tính tích cực cho các em. Có như vậy việc tiếp thu kiến thức mới của các em mới sâu rộng và các em thực sự trở thành trung tâm của giờ học, chứ không giống như trước đây các em chỉ là tiếp thu kiến thức một cách thụ động.
Tôi nhận thấy dạy học từ học sinh là phương pháp phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Nếu giáo viên áp dụng phương pháp này thường xuyên vào bài giảng thì học sinh sẽ ngày càng tự tin, mạnh dạn, chủ động trong việc chiếm lĩnh tri thức mới.
Trong quá trình dạy học, giáo viên phải có sự quan sát tinh tế từng cử chỉ, hành động của học sinh để giúp đỡ các em một cách kịp thời nhất. Từ đó điều chỉnh hình thức tổ chức hoạt động phù hợp giúp các em tiếp thu kiến thức một cách chủ động nhất. Vì vậy tôi nghĩ rằng trong mỗi giờ học mỗi người giáo viên cần quan tâm đồng đều đến tất cả các em để giúp các em tự tin chiếm lĩnh kiến thức. Với học sinh lớp 1, việc tự chiếm lĩnh kiến thức để đọc và mở rông vốn từ là điều vô cùng cần thiết và quan trọng. Chính vì thế việc gây hứng thú và kích thích sự tò mò và ham hiểu biết của học sinh là điều không thể thiếu trong mỗi giờ dạy.